Vũ Đức Nghiêm - Gọi người yêu dấu - Tơ lòng trên phím nhạc kỳ 072
Chương trình Tơ lòng trên phím nhạc đã thực hiện rất nhiều chương trình trong suốt thời gian qua. Xin vào link bên dưới để theo dõi toàn bộ những chương trình đã đăng: https://www.youtube.com/playlist?list=PLCPWbHSd2o_e56X90idBkQvhzywgcDftA
Mong bạn sẽ thưởng thức và tiếp tục theo dõi, ủng hộ cho nhóm thực hiện chương trình.
Trân trọng.
Chương Trình Tơ Lòng Trên Phím Nhạc # 072 – VŨ ĐỨC NGHIÊM
1- Ca khúc tôn vinh tạ ơn Chúa - Vũ Khanh
2- Cờ vàng tung bay - Hợp ca
3- Bâng khuâng nhớ tình xưa - Đoan Trang
4- Tâm tư chiều - Lệ Thu
5- Đoá hồng cho người yêu dấu - Elvis Phương
6- Muôn trùng xa em về - Ái Vân
7- Như mây bay về - Nguyễn Thanh Vân
8- Phút trao yêu - Thái Hiền
9- Gọi người yêu dấu - Thanh Lan
10- Nhạc điệu mừng xuân - Thái Thanh
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiễm chào đời năm 1930 tại làng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ông say mê âm nhạc từ khi còn nhỏ, bắt đầu sáng tác âm nhạc năm mới được 17 tuổi.
Năm 1951, ông gia nhập quân đội và theo học khóa 1 trường sĩ quan trừ bị Nam Định. Ông sống đời quân ngũ và cấp bậc cuối cùng khi miền Nam lọt vào tay cộng sản là trung tá, huấn luyện viên tiếp vận, thuộc trường chỉ huy tham mưu Đà Lạt - Long Bình.
Năm 1975, ông bị bắt và là một trong những sĩ quan phải "Học tập cải tạo" suốt 13 năm dài trong các trại tù Cộng Sản.
Năm 1990, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm và gia đình sang định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O, và sinh sống tại San Jose.
Số lượng sáng tác của Vũ Đức Nghiêm khá phong phú với nhiều thể loại. Giòng nhạc của ông không dễ dàng được phổ biến trong quần chúng, vì không chiều theo thị hiếu của mọi giới. Ông sáng tác bằng những cảm xúc, rung động trong tâm hồn và với âm hưởng cực kỳ trong sáng, thanh thoát.
Nói đến nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, không thể không đề cập đến nhạc phẩm "Gọi người yêu dấu", một sáng tác đã gắn liền với tên tuổi của ông. Nhạc phẩm này đã đưa tên tuổi của ông đến giới yêu nhạc, cũng là ca khúc đã tạo cho ông một vị thế vững vàng trong cuộc đời sáng tác. Ông đã nói về hoàn cảnh ra đời khá đặc biệt của "Gọi người yêu dấu" như sau:
"Tôi viết ‘Gọi người yêu dấu’ vào năm 1969, trong một cuộc phiêu lưu tình cảm. Khi viết xong, tình cờ ca sĩ Thanh Lan ghé nhà chơi, tôi đưa cho cô và Thanh Lan đã đem về hát ở đài truyền hình và các đài phát thanh. Từ đó nhạc phẩm đuợc giới trẻ biết đến. Tôi rất nhớ ơn Thanh Lan đã chắp cánh cho ‘Gọi người yêu dấu’ của tôi đuợc bay xa và bay cao".
Nữ ca sĩ Thanh Lan khi ấy đang là sinh viên Văn Khoa. Giọng hát của cô ngọt ngào, nhẹ nhàng cộng với một phong cách trình diễn đầy vẻ ngây thơ, duyên dáng... quả là một nhân tuyển rất thích hợp để hát ca khúc này. Huống hồ gì Thanh Lan lúc đó đang là thần tượng của giới sinh viên, học sinh… Và "Gọi người yêu dấu" qua giọng hát Thanh Lan đã trở thành nổi tiếng trong một sớm một chiều.
Trong quyển sách của nhà văn Vũ Trung Hiền, có tên “Vũ Đức Nghiêm anh tôi”, thì “Người yêu dấu” của Vũ Đức Nghiêm là một nhân vật khá "đặc biệt". Vào khoảng năm 1968, Vũ Đức Nghiêm được một người bạn gửi gấm cô bạn gái của anh ta cho ông. Cô bạn gái này lúc đó đang mang thai được vài tháng. Vì tình hình xã hội Việt nam thời đó rất khe khắt với các cô gái chưa lập gia đình mà đã có con, nên người bạn của ông mới gởi người yêu đi xa để xin "tị nạn" , hầu bí mật này không bị vỡ lở, cho đến khi sinh xong, thì mới được trở về để tránh tiếng đời dị nghị.
Vũ Đức Nghiêm có hoàn cảnh thuận lợi giúp bạn, vì ông đang giữ nhiệm vụ trông coi một số biệt thự tại Đà Lạt. Cô gái trẻ được ông chăm sóc, giúp đỡ tận tình. Buổi đầu có lẽ chỉ để giúp bạn, nhưng với thời gian gần gũi, dáng dấp mong manh của cô đã khiến cho tình lưu luyến, vấn vương nảy sinh giữa hai người.
Sau khi cô sinh nở, họ chia tay nhau để lại trong lòng Vũ Đức Nghiêm một nỗi bồi hồi khôn tả. Nỗi cảm xúc khi nhớ về cô gái có cái dáng "Mong manh như một cành lan", đã là cảm hứng cho Vũ Đức Nghiêm sáng tác "Gọi người yêu dấu" trong cái khung cảnh đầy sương mù, thơ mộng của thị trấn Đà lạt…
Gọi người yêu dấu xa vời
Mà lòng lưu luyến bồi hồi
Ngày biệt ly, đành nhớ nhau thôi
Khi chiều nhẹ rơi
Nỗi cảm xúc đã hình thành ca khúc tuyệt vời ấy, không biết đã nguôi chưa trong lòng người nhạc sĩ qua bao tháng năm dài, nhưng những cung bậc nhẹ nhàng, thanh thoát và mối tình một thoáng của ông, sẽ mãi còn để lại những cảm tình tha thiết trong lòng người yêu nhạc. Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm qua đời tại California năm 2017 vì bệnh ung thư máu, sau một thời gian dài chữa trị.