HỌC ĐỂ LÀM GÌ? - TS Bùi Trân Phượng - CÀ PHÊ THỨ 7
Góc nhìn
MUỐN HỌC THẬT THÌ PHẢI ĐƯỢC SỐNG THẬT
Là một cựu sinh viên Bách Khoa, Giáp Văn Dương lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Vienna (Áo) ngành Vật lý Kỹ thuật (2006). Sau một thời gian ngắn làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc) tại Áo, ông chuyển qua làm postdoc tại khoa Hóa học, Đại học Liverpool (Anh) từ 2007-2010, sau đó về Singapore làm nghiên cứu tại Temasek Laboratories, Đại học Quốc gia Singapore, từ 2010-2012. Từ 2013 đến nay, ông trở lại Việt Nam và tập trung toàn thời gian để hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Năm 2015, ông được Asia Society chọn là Asia 21 Young Leaders.
Liên quan tới thông điệp "Học thật, Thi thật, Nhân tài thật" gửi ngành giáo dục VN của thủ tướng Phạm Minh Chính, TS Dương chia sẻ :
"Tôi đã tham gia xây dựng 2 ngôi trường tư thục và trước khi xây dựng 2 ngôi trường đó thì tôi phải xây dựng một ngôi trường tinh thần ở trên giấy trước. Một trong những nội dung quan trọng của ngôi trường tinh thần đó là bộ giá trị cốt lõi của nhà trường, gồm 4 yếu tố: Chân - Thiện - Mỹ - Hòa. Bộ giá trị này đóng vai trò là khung tham chiếu, chi phối và điều chỉnh tất cả các hành vi của giáo viên, học viên của nhà trường. Trong 4 giá trị này, tôi đặt chữ Chân ở vị trí đầu tiên. Ở đây, chữ Chân có nghĩa là chân lý, là sự thật, là chạm đến cái thật.
Chúng ta đã có những cuộc vận động như "không được chạy theo thành tích ảo", tức là đã có lúc cả hệ thống giáo dục của chúng ta chạy theo cái ảo, cái không thật. Một trong những ví dụ mà chúng ta đều thấy đó là chạy theo điểm số. Khi chạy theo điểm số thì sẽ chỉ có điểm số, chứ không chắc đã có giáo dục thật và càng không chắc đã có nhân tài thật.
Lâu nay, chúng ta đã nhầm lẫn giữa người giỏi và người học giỏi. Người học giỏi lại đồng nhất với người thi giỏi. Vì thế, nhân tài của chúng ta được mặc định là người có điểm số cao, tức là người thi giỏi. Nhưng, trên thực tế, người giỏi, hay nhân tài thật, phải là người làm giỏi, người tạo ra giá trị cho cuộc sống. Tiếc rằng, nền giáo dục của chúng ta chưa bao giờ đo lường chất lượng giáo dục bằng tiêu chí này nên chỉ có thành tích về điểm số, mà không có nhân tài thật.
Ví dụ nóng nhất là ở Hà Nội chuẩn bị có những cuộc xét tuyển vào các trường chuyên và tôi nhìn thấy trong các bộ hồ sơ xin tuyển hiện nay cũng có rất nhiều bộ mà từ lớp 1 đến lớp 5 đều 10 hết. Cho tất cả các môn. Tôi nhấn mạnh là điểm 10 cho tất cả các môn, trong tất cả 5 năm học. Học tập là một hành trình nhận thức, là một quá trình sửa sai và trưởng thành. Không có một học sinh nào có thể hoàn hảo trong nhận thức để đạt được một kết quả hoàn hảo như vậy trong suốt cả bậc học.
Chắc chắn phải có một cái gì đó sai ở đây và tôi cho rằng cái sai đó chính là sự không thật trong giáo dục, thể hiện qua sự không thật của điểm số. Đó là sự bất thường. Tôi đã nhiều lần phát biểu rằng giáo dục của chúng ta phải trở lại bình thường thì mới hy vọng có được điều phi thường. Còn nếu không thể trở lại bình thường thì giáo dục sẽ mãi bất thường".
Trích từ bài trả lời phỏng vấn của TS Giáp Văn Dương với nhà báo Phan Đăng trên báo CAND 5/2021
https://cand.com.vn/.../Muon-hoc-that-thi-phai-duoc-song.../
Trở lại với Cà phê Giáo dục tháng 10 tại Cà phê Thứ Bảy Hà Nội với TS Giáp Văn Dương (diễn giả) và TS Bùi Trân Phượng (chủ trì) vào chiều mai, Chủ nhật, 20/10 là chủ đề tưởng cũ mà luôn luôn mới, tưởng đơn giản mà vô cùng đa dạng, phức tạp : HỌC ĐỂ LÀM GÌ?
Hãy để lại ý kiến và đóng góp dưới phần bình luận. Nếu thấy hay, hãy follow kênh để xem thêm nhiều video về chủ đề giáo dục, văn hóa và xã hội.
#caphethubay #giaoduc #buitranphuong #tsgiapvanduong #tsbuitranphuong #caphethubayhanoi #giadinh