Hành hương lên Yên tử độ cao 1068 mét chùa Đồng đi qua hàng ngàn bậc đá và đường rừng núi
Núi Yên Tử, với độ cao 1,068 mét so với mực nước biển, là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất cho những người yêu thích leo núi.
Khu di tích Yên Tử là một trong những điểm đến được khách du lịch trong và ngoài nước ưu tiên hàng đầu khi đến du lịch Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Là một ngọn núi cao trong dãy Đông Triều, núi Yên Tử là nơi tọa lạc của chùa Đồng, nơi quanh năm đều có mây bao phủ.
Với độ cao 1068 mét, đương nhiên con đường lên đến đỉnh Yên Tử cũng không hề ngắn. Theo Bách khoa toàn thư, tổng chiều dài đường bộ để lên đến đỉnh Yên Tử (chùa Đồng) là 6000m với thời gian đi bộ ước tính là 6 giờ liên tục, đi qua hàng ngàn bậc đá và đường rừng núi.
Trần Nhân Tông là bậc minh quân kỳ tài - có thể nói là duy nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Ngài không chỉ có công lớn trong việc chiến thắng giặc ngoại xâm hùng mạnh nhất thời bấy giờ, mà còn sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử - một dòng thiền riêng của Việt Nam được lưu truyền cho tới ngày nay.
Đức vua Trần Nhân Tông tên húy là Khâm, sinh ngày 11/11/Mậu Ngọ (tức 07/12/1258), là con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu Trần Thị Thiều. Sinh thời, Ngài có tướng mạo rất phi phàm. Ngài là vị vua thứ ba của nhà Trần nước Đại Việt.
Theo lịch sử ghi lại, vì khi sinh ra, thân Ngài có màu sắc hoàng kim, nước da vàng sáng rất đẹp, nên Ngài được gọi là Phật kim. Ngài rất thông minh, hiếu học, đọc hết sách vở, thông suốt nội điển (kinh Phật) và ngoại điển (sách đời).
Ngài rất ham học Phật Pháp, đặc biệt là thiền. Khi nhàn rỗi, Ngài mời các thiền khách để bàn giải về thiền, tham học thiền với Tuệ Trung Thượng Sĩ - một vị Thiền sư, cũng là vị quan lớn trong triều.
Vào năm 1274, khi 16 tuổi, Ngài được phong làm Hoàng Thái tử. Mặc dù trước đó, Ngài đã nhiều lần từ chối ngôi vị, xin nhường lại cho em trai nhưng vua cha không đồng ý. Sau đó, vua cha cưới trưởng nữ của Nguyên Từ Quốc Mẫu cho Ngài (tức là Khâm Từ Hoàng hậu sau này).
Tuy sống trong cảnh vui hòa, hạnh phúc nhưng tâm Ngài vẫn luôn ưa thích sự tu hành. Dù là một vị vua, ngồi trên ngôi Cửu Trùng nhưng Ngài không ăn những món ăn đến từ việc giết mạng chúng sinh.
Một hôm, vào nửa đêm, Ngài trèo thành trốn đi với ý định vào núi Yên Tử tu hành. Khi đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu (nay gọi là núi Thiên Thai, thuộc tỉnh Bắc Ninh) thì trời vừa sáng. Vì người đã thấm mệt, Ngài bèn vào nằm nghỉ trong tháp. Ở đây, vị sư trụ trì thấy tướng mạo Ngài phi phàm liền làm cơm thiết đãi. Vua cha hay tin, sai các quan đi tìm và bất đắc dĩ, Ngài phải quay về cung thành.
Ngày 22/10/Mậu Dần (năm 1278), Ngài lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Trần Nhân Tông. Tuy ở địa vị cao sang, Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh và thường đến chùa Tư Phước tu tập. Đây là ngôi chùa được xây dựng trong đại nội, dành cho tất cả vương tôn, công tử.
Một hôm, khi nghỉ trưa, Ngài mơ thấy trong rốn mọc lên một hoa sen vàng lớn bằng bánh xe, trên hoa sen có Đức Phật vàng. Bên cạnh có người đứng chỉ và nói: “Biết Đức Phật này không? Đó là Đức Biến Chiếu Tôn!”. Tỉnh giấc,
Ngài đem việc đó tâu lên vua cha. Vua Thánh Tông khen giấc mơ là việc kỳ lạ và đặc biệt.
Khi quân Nguyên - Mông sang xâm chiếm Đại Việt, Đức vua Trần Nhân Tông gác việc tu học Phật Pháp để lo giữ gìn xã tắc. Với tài mưu lược sáng suốt, đưa đạo vào đời, Ngài đã áp dụng Pháp lục hòa để gắn kết nhân dân thành một khối đại đoàn kết. Nhờ đó, Ngài tạo nên sức mạnh toàn dân, giúp quân dân ta đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông (1285, 1287 - 1288), bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự chủ của dân tộc.
Năm 1294, sau khi chinh phạt Ai Lao, giữ yên bờ cõi đất nước, Ngài xuất gia tại hành cung Vũ Lâm (nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Sau khi xuất gia, Ngài vẫn tham gia vào công việc triều chính, có nhiều hoạt động vì dân vì nước. Đến năm 1299, Ngài cho xây dựng một am thiền trên núi Yên Tử, thực sự lên núi xuất gia tu hành. Ở đây, Ngài chuyên cần tu tập theo hạnh đầu đà (khổ hạnh), lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và sáng lập nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Sau đó Ngài lập chùa, cất tinh xá, khai giảng để tiếp độ chúng Tăng, vì vậy học chúng đến tu học rất đông.
Năm 1308, sau nhiều năm xuất gia tu tập, Ngài viên tịch tại đỉnh Ngọa Vân, núi Yên Tử. Với những đóng góp to lớn cho đạo Pháp và dân tộc, Ngài được người đời kính trọng, sau suy tôn là Phật Hoàng Trần Nhân Tông (hay còn gọi là vua Phật Việt Nam).
Rời bỏ ngai vàng, Ngài lên Yên Tử khoác áo cà sa thuyết pháp độ sinh, khai sáng dòng thiền Trúc Lâm - niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam. Cùng với tư tưởng “Hòa quang đồng trần” - Phật giáo nhập thế, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã khéo léo gắn kết đạo và đời, lấy đạo xây đời và qua đời dựng đạo, hết lòng vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của người dân.
Bảo tồn, phát huy giá trị Khu di sản văn hóa lớn nhất Việt Nam. Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc gồm hàng trăm di tích và danh thắng thuộc phạm vi các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang, đang được đệ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.